Phải học hành gấp đôi người khác, nhưng chỉ đủ để qua kỳ thi và đuổi kịp bạn cùng lớp, điều này làm tôi thấy đuối dần. “Mình đang làm gì ở đây?” – “Mình kém cỏi đến thế sao?” - “Mình phải làm thế nào để vượt lên?”
Le courage de recommencer…
Có lẽ với rất nhiều người, “du học” giống như một tấm giấy “thông hành” tới cánh cửa của thành công. Nhưng “du học sinh”, được coi như những “sản phẩm ưu tú”, kết quả của một quá trình đào tạo tại những quốc gia có nền giáo dục vô cùng phát triển, sẽ là những người giành được thành công mà không nhiều người dám mơ ước…
Thế nhưng, không phải chuyến du học nào cũng thành công như vậy. Có rất nhiều những bạn trẻ đã phải dừng lại trên con đường tìm kiếm thành công nơi đất khách. Mà tôi, là một người như vậy…
Những giấc mơ đẹp đẽ
Theo học cấp III tại trường chuyên, chị gái lại đang học tại Pháp, những áp lực từ kỳ thi đại học là một điều gì đó quá xa vời với tôi. Trong khi tất cả các bạn cùng lớp đều đang chăm chỉ ôn thi đại học, những việc tôi cần làm là chuẩn bị giấy tờ thủ tục hành chính để sang Pháp. Với hành trang là những suy nghĩ chủ quan của một đứa trẻ 18 tuổi: “người ta học được thì mình cũng học được; trước lạ rồi sau cũng phải quen hết!”, tôi xách va li đến một thành phố xa lạ, cách Hà Nội 9.195km.
Thời gian đầu học dự bị tiếng Pháp tại Paris hoa lệ, bài toán đầu tiên là chi phí nhà ở. Chưa phải là sinh viên chính thức của trường, tôi phải chấp nhận ở trong ký túc xá dành cho người đi làm với giá tiền cao ngất ngưởng. Sau khi ở được khoảng 3 tháng, tôi quyết định xin ra ngoài ở cùng với một số người bạn Việt Nam. Thế nhưng, căn hộ chúng tôi thuê trọ cũng không hẳn là phòng hợp pháp, nên toàn bộ số tiền trợ cấp nhà ở cho sinh viên, tôi hoàn toàn không nhận được lấy một đồng.
Trong khoảng thời gian đó, tôi – một đứa trẻ 18 năm sống trong sự bảo bọc của gia đình, lần đầu tiên phải học cách sống độc lập, tự chăm sóc và quản lý bản thân. Những bài học đơn giản nhất từ chuyện rửa bát, gấp quần áo… cho đến đi chợ, nấu nướng tưởng chừng như là cỏn con trước giấc mơ học vấn, hóa ra lại là một vấn đề thực sự. Cú “shock” đầu đời, là khi tôi cầm trên tay tờ hóa đơn cao ngất của mớ rau xanh mà ở nhà chỉ có giá vài nghìn!
Những khó khăn thực sự
Sau năm đầu tiên sống một mình tại Paris, tôi quyết định chuyển xuống Brest – một thành phố biển miền Tây Bắc nước Pháp để sống cùng chị gái.
Cũng trong thời gian này, tôi chính thức trở thành sinh viên của La Croix Rouge, khoa Máy tính.
Với niềm yêu thích máy tính và công nghệ thông tin, đây lẽ ra là một điểm mốc đáng ghi dấu trong cuộc đời sinh viên của tôi. Thế nhưng, tất cả những khó khăn dường như mới bắt đầu!
Tại Pháp, ngay khi học cấp III, học sinh đã được định hướng nghề nghiệp rõ ràng và có những môn học định hướng nghề ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng tôi thì không như vậy. Những kiến thức đối với tôi hoàn toàn mới. Cường độ học liên tục với những tiết thực hành dày đặc trở thành nỗi ám ảnh của tôi.
Luôn phải học hành gấp đôi những người khác, nhưng cũng chỉ để vừa đủ để vượt qua kỳ thi và đuổi kịp các bạn cùng lớp, điều này làm tôi cảm thấy đuối dần. “Mình đang làm gì ở đây?” – “Mình kém cỏi đến thế sao?” - “Mình phải làm thế nào để có thể vượt lên?” – “Mình có quyết định sai lầm không?” – Những câu hỏi đó liên tục xuất hiện trong đầu tôi và làm tôi nghi ngờ chính bản thân mình.
"Mất hơn 1 năm sống trong tình trạng căng thẳng bài vở chỉ để có thể vừa đủ vượt qua kỳ, tôi bắt đầu tìm được nhịp chung với những người bạn cùng lớp. Lúc này, tôi quyết định đi làm thêm để rèn luyện những kỹ năng mềm. Từ công việc chạy bàn trong các quán cà phê, nhân viên trực điện thoại, giao báo… Những khoản tiền thu được từ những công việc đó không quá nhiều, nhưng cũng đủ chi trả một phần học phí và phí sinh hoạt. Nhưng cũng chính những công việc đó lại cuốn tôi vào vòng quay của làm việc với suy nghĩ “làm thêm để bù cho những chi phí đi học”.
Nhưng cũng vì thế, một lần nữa, tôi lại phải vất vả học tập để đuổi kịp các bạn cùng lớp. Sau 2 năm, tôi hoàn thành bậc học trung cấp và hoàn toàn có thể học liên thông thêm 1 năm nữa để có thể lấy bằng đại học. Nhưng, kiểu học “trả bài” làm tôi cảm thấy chán nản, thậm chí căm ghét bộ môn mà mình yêu thích trước kia. Ai đó đã từng nói: “được làm công việc mình đam mê, đó chính là tận hưởng chứ không còn là làm việc nữa !” Và tôi tự vấn mình, phải làm thế nào với một công việc tương lai khi tôi đang cạn dần tình yêu với nó?
Quyết định dũng cảm
Khi tôi ra quyết định quan trọng nhất cho đến thời điểm này của cuộc đời, tất cả đều bảo tôi quả là điên rồ. Vứt đi 2 năm học vất vả tại Pháp và rất nhiều khó khăn không phải dễ dàng mà vượt qua, trong khi chỉ cần cố gắng một năm nữa thôi là tôi có được tấm bằng đại học danh giá mà nhiều người ao ước, tôi quyết tâm trở về Việt Nam và làm lại từ đầu.
Có thể trở về Việt Nam, tôi sẽ phải bắt đầu lại từ con số 0, tôi có thể sẽ không còn được hưởng nền giáo dục tiên tiến, không được một tấm giấy thông hành danh giá là tấm bằng đại học nước ngoài. Nhưng, để được làm công việc đúng với chuyên môn và niềm đam mê, gắn bó với nó trong suốt quãng đời còn lại, tôi vẫn chọn trở về.
Thời gian đầu, tôi phải đối mặt với sự phản đối của gia đình. May mắn thay, chị gái tôi, người hiểu tôi đã phải vất vả như thế nào để học “trả bài” một cách vô nghĩa trong những năm tại Pháp, người nhìn thấy tôi đánh mất dần niềm yêu thích với môn học, đã ở bên ủng hộ và cùng tôi thuyết phục cha mẹ.
Khi tôi viết những dòng này, tôi đang ở Việt Nam. Giấc mơ công nghệ thông tin tôi vẫn kiên trì nuôi dưỡng khi theo học tại Chương trình Cử nhân Top-up (chương trình hợp tác đào tạo giữa trường đại học Greenwich Anh Quốc và đại học FPT). Tôi có chút bất ngờ khi thấy đây là một môi trường khá mở, thúc đẩy sinh viên học tập và phát triển cá nhân thông qua những hoạt động sinh viên tích cực.
Một điểm đặc biệt nữa, đó là ở đây sinh viên cũng được học tập và sinh hoạt cùng với rất nhiều sinh viên quốc tế và giáo viên quốc tế, tạo nên một môi trường đa văn hóa, đa sắc tộc, giống như các môi trường du học khác.Về chương trình học thì do đại học Greenwich biên soạn và kiểm soát nhưng sinh viên được làm quen và thích nghi dần dần. Điều khiến tôi cảm thấy may mắn nhất, đó là ngoài việc giảng dạy, truyền thụ những kiến thức học thuật, các thầy cô còn là những người giúp chúng tôi thổi bùng lên ngọn lửa yêu nghề, ham học và nuôi dưỡng giấc mơ trở thành một lập trình viên tương lai.
Du học, đó là một cơ hội lớn, một cánh cửa lớn để dẫn đến thành công. Nhưng, không phải ai cũng là người tiến xa từ cánh cửa ấy. Tôi biết, có những bạn trẻ, giống như tôi một thời, hoang mang và bế tắc. Tuổi trẻ là món quà vô cùng quý giá của thượng đế. Bởi vì chỉ có tuổi trẻ, người ta mới có cơ hội làm sai và sửa sai. Là một người trẻ, tôi tin rằng mình đã dũng cảm khi tìm lại điều quan trọng nhất của mình. Còn bạn thì sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét