Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Chiếc bánh ngô nóng cho ngày giá lạnh

Bài học cuộc sống: Mọi chuyện đều bắt nguồn từ ý tưởng “thông minh” của Carl, về một bữa tiệc bánh ngô nhân thịt cho cả nhà sau buổi cầu nguyện ở nhà thờ vào đêm Giáng Sinh...

“Âu cũng là lỗi của mình chứ chẳng phải ai khác.”- Carl Fenter tự nói với chính mình, kéo chặt lại chiếc áo khoác. Trời càng ngày càng lạnh đến cắt da cắt thịt- “Mọi người thì đều đang ở nhà, bên ngọn lửa ấm áp.”

Mọi chuyện đều bắt nguồn từ ý tưởng “thông minh” của Carl, về một bữa tiệc bánh ngô nhân  thịt cho cả nhà sau buổi cầu nguyện ở nhà thờ vào đêm Giáng Sinh, và hãy xem nó đã mang lại kết quả gì: Carl đang mắc kẹt trong một hàng dài tới hơn 50 người.

Ai mà biết được rằng tất cả các cửa hàng bán bánh ngô trong thành phố này đều hết hàng vào trước Giáng Sinh cơ chứ? Nhưng sự thực lại đúng là như thế, điều này mới được Carl nhận ra. Anh đã lái xe lòng vòng khắp El Paso cả sáng nay. Nhất định phải mang được món bánh ngô về nhà, anh dừng lại tại một cửa hàng lâu đời có tiếng ở Canutillo.
bài học cuộc sống: Chiếc bánh ngô nóng cho ngày giá lạnh
Chiếc bánh ngô nóng cho ngày giá lạnh

Khi anh tới, người ta nói sẽ có một mẻ bánh mới ra lò trong 45 phút nữa. Đứng xếp ở cuối một hàng dài những người chờ đợi mua bánh ngô, Carl chợt nhìn thấy người phụ nữ đứng trước anh cởi áo khoác của mình bọc quanh người cô con gái nhỏ đang run lẩy bẩy. Trước đó chính người phụ nữ này cũng run người vì cơn gió lạnh buốt. Ngập ngừng một lúc, Carl quyết định đưa chiếc áo khoác mình đang mặc cho người mẹ khốn khổ.

Mọi người đều rất vui mừng vì hàng người ngày càng ngắn dần, với những người khác cười tươi rạng rỡ, cầm trong tay những túi bánh nóng hổi bước ra khỏi cửa hàng. Cuối cùng thì Carl cũng bước vào trong cửa hiệu, chỉ cách người thu ngân có chút xíu. Người mẹ với cô con gái đứng ngay trước anh, hiện là người đứng đầu.

- Xin lỗi mọi người- người thư kí nói- Chúng tôi đã bán hết bánh ngô.

- Không thể nào! - Carl kêu lên giận dữ.

- Nhưng mà... - người đàn ông phía trong quầy thu ngân nói- sẽ có một mẻ bánh cuối sau khoảng 2 tiếng nữa.

Thất vọng, Carl quyết định quay ra, thì đột nhiên người phụ nữ trẻ níu tay anh.

- Anh đi sao?

- Tôi phải đi thôi- Carl nhìn đồng hồ- Tôi đã hứa sẽ giúp mắc đèn cho nhà thờ.

- Tôi sẽ chờ mẻ bánh cuối và mang bánh về nhà cho anh.

Carl sửng sốt:

- Cô không cần phải làm thế đâu.

- Nhưng đây là điều duy nhất tôi có thể làm. Anh đã cho tôi mượn áo khoác mà.- Nụ cười người phụ nữ trẻ xóa tan những nghi ngờ trên khuôn mặt Carl- Hãy đưa cho tôi địa chỉ của anh.

Người phụ nữ và cô con gái quay trở lại đứng chờ trong hàng người. Và vào đúng giữa trưa ngày Giáng Sinh, họ đã mang bốn mươi tám chiếc bánh ngô nóng hổi cùng với chiếc áo khoác nâu đến nhà của Carl.
 
 

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Sức mạnh của con gái

Bài học cuộc sống: Chỉ cần những lời động viên đúng lúc sẽ tiếp cho chúng ta thêm sức mạnh.

Cũng giống như đỉnh Olympus là thiên đường với các vị thần Hy Lạp, trái bóng màu cam với những cú ném ba điểm, ném tự do, những cú chặn bóng chính là thiên đường của tôi. Đây chính là nơi mà tôi luôn muốn được trở thành một phần của nó - sân bóng rổ. Đó là cuộc sống, là định mệnh, là cả tương lai đối với tôi. Sân tập ầm ĩ với đủ mọi loại âm thanh, tiếng các học sinh cười đùa, ăn uống, hoặc có những người chỉ đơn giản là đang nhìn vào không trung. Giáo viên thể dục bước lên trước tất cả chúng tôi,“em nào muốn chơi bóng rổ, bước ra sân!” - thầy nói.

Như thường lệ, những đứa con gái đỏng đảnh ngay lập tức sợ lớp trang điểm trên mặt sẽ bị nhòe, hoặc tóc sẽ bị rối, nên ngay lập tức chúng đi về phía những dãy ghế dài, ngồi xuống và tán tỉnh các cậu con trai. Tôi ngay lập tức nhảy vào sân bóng rổ. Thật không may một chút nào, tôi là cô gái duy nhất trong đó. Trời đất, tôi có nên ngồi xuống hay không đây, hay là cứ việc đứng về phía mấy đứa con trai kia? Nhưng sẽ ra sao nếu bọn chúng chơi hay hơn tôi quá nhiều? Tôi sẽ giống hệt như một đứa chơi trong đội bóng rổ trường đại học dám đấu lại với Kobe Bryant vậy. Nhưng nếu ngồi xuống lúc này, tôi sẽ chẳng khác nào một con gà. Nghĩ như vậy, tôi quyết định đứng lại trên sân.

Trận đấu bắt đầu diễn ra. Các đội dần dần được chọn, và tôi là đứa đầu tiên được chọn vào đội màu xanh. Tôi sướng đến phát điên! Nhưng có mấy đứa con gái nói nhỏ với nhau rằng lý do duy nhất mà họ chọn tôi đơn giản vì tôi là con gái và họ cảm thấy tôi thật đáng thương. Thật không thể chấp nhận được. Họ chọn tôi để đấu với những chàng trai giỏi nhất, hay chỉ muốn làm tôi bẽ mặt?

Vững tâm, tôi bước vào sân bóng. Ngay lập tức có một đứa con trai ngồi ở ghế khán giả hét lên với tôi: "Này cô gái, bước ra khỏi sân bóng đi. Bóng rổ không phải là trò chơi của con gái các cậu đâu!”. Nhưng những gì cậu ta khiến tôi cảm thấy mình chỉ như hạt bụi trên sàn phòng tập vậy.

Thầy giáo thổi còi, và trận đấu bắt đầu. Đã đến lúc rồi, tôi sẽ cho họ thấy. Tôi sẽ khiến các cậu con trai phải nể phục khả năng của tôi, tôi sẽ cho bọn họ hít bụi.
Tôi cố gắng chặn các cú chuyền, nhưng bọn con trai nhanh chóng đánh bại cơ thể yếu đuối của tôi một cách dễ dàng. Tôi cố phòng vệ, nhưng bọn chúng lại có những cú di chuyển hiểm hóc đến nỗi tôi có cảm giác mình đang chạy xung quanh quả bóng vậy. Một đứa con trai vượt lên tôi, lách quả bóng qua hai chân tôi và ghi một cú ba điểm. Một cậu con trai khác thì giả vờ ném bóng, nhưng ngay khi tôi nhảy lên chặn bóng thì cậu ta vòng ra sau và có một cú úp rổ. Một cậu khác thì giữ quả bóng trong lòng bàn tay, liên tục tạo những cú chuyền giả cho đồng đội. Thế đấy!
bài học cuộc sống: Sức mạnh của con gái
Sức mạnh của con gái

Và rồi tôi cướp được bóng. Tôi bị sốc khi nhìn thấy trái bóng màu cam đang ở trong tay mình. Tôi phấn khích quá đến nỗi tôi hoàn toàn không di chuyển cho đến khi nghe tiếng mọi người hò hét: “Chạy đi, chạy đi!”. Quả bóng là của tôi. Đây là cơ hội để tôi tỏa sáng, để những kẻ coi thường tôi phải tự thấy mình ngốc nghếch. Tôi biết việc chứng kiến khả năng của tôi sẽ dập tắt tất cả những lời chế giễu, tôi phải làm mọi thứ thật chuẩn.

Tôi chạy ngang sân bóng như một cơn lốc, và “Oạch!”, tôi vấp ngã. Không thể tin nổi. Sao chuyện này có thể xảy ra được? Tôi thậm chí còn không hiểu nổi ý nghĩ của chính mình, tôi chỉ nghe thấy những tiếng cười vang lên từ khắp các hàng ghế. Đến lúc này tôi mới nhận ra là dây giày của mình chưa buộc. Chúa ơi, tôi đang cố khiến mình tỏa sáng, vậy mà tất cả lại thành trò cười. Đứa con trai lúc nãy lại hét lên: "Con bé ngốc nghếch! Giờ thì đến chơi cậu cũng không chơi nổi, ra khỏi sân được rồi đấy!”

Đội mình đã thua rồi sao? Tôi thậm chí còn không chú ý đến điều này, mà chỉ muốn trốn khỏi đám đông. Tôi nhìn xuống sàn sân bóng rổ dưới chân mình. Không, tôi vẫn ở trên sân, trận đấu vẫn tiếp tục, và đội bên kia bắt đầu ném bóng rồi. Tôi buộc lại dây giày, và đi sang một bên. Tôi ngồi xuống hàng ghế đầu tiên, nhưng thực ra tôi chỉ muốn chui ngay xuống gầm ghế để không ai nhìn thấy mình. Những đứa con gái đỏng đảnh, những đứa con trai xấu tính, và kể cả các huấn luyện viên đều đang cười nhạo tôi. Tôi sẽ chịu đựng sự nhục nhã này thế nào đây?

Một tiếng sau, những tiếng cười đã thưa dần, dù tôi biết người ta vẫn nhớ đến câu chuyện của tôi. Nếu tôi không hành động, chắc chắc đến cuối ngày cả trường sẽ biết chuyện. Hơn nữa, sẽ chẳng có ai biết chuyện gì đã thực sự xảy ra, vì những kẻ đưa chuyện sẽ phóng đại tất cả để khiến mọi thứ nghe thật lố bịch. Tôi biết mình phải làm cái gì đó, để cho họ thấy tôi thực sự có khả năng.

- Huấn luyện viên, em có thể vào chơi trong trận tới chứ?
- Em vẫn còn muốn chơi sao? Thôi nào, Araz - thầy thở dài.
- Em muốn chơi! - tôi khăng khăng.
- Em sẽ tự làm đau chính mình đấy. Hãy để tụi con trai kết thúc những gì mà chúng bắt đầu!
- Không, em muốn chơi mà! - tôi kiên quyết.
- Được rồi, là quyết định của em. Nhưng đừng có mè nheo với tôi nếu em bị thương đấy! - thầy cằn nhằn.

Và thế là tôi trở lại sân. Lần này tôi chơi bên đội đỏ. Những đôi mắt tò mò của cổ động viên nhìn tôi, tôi tự cảm thấy một áp lực đè nặng lên mình. Trận đấu bắt đầu với cú giao bóng đầu trận. Tôi tranh được bóng, đập bóng xuống sàn, vượt qua một đứa con trai, và lên rổ. “Ồ”, đám đông cổ vũ. Tôi lặp lại chiến thuật này sau khi có được bóng lần hai, nhưng lần này là một cú lên rổ giả. Và tôi lại nghe thấy tiếng khán giả hò hét. Tôi có cảm giác mình đang điều khiển một quả cầu lửa vậy. Đây chính là sự chú ý mà tôi muốn. Tôi muốn mọi người chú ý đến kĩ năng của tôi, chứ không phải là những lỗi lầm ngớ ngẩn. Tôi có những bước di chuyển thay đổi liên tục tiến về phía tụi con trai, và tình thế đã thay đổi. Dường như là Michael Jordan đang ở trong cơ thể tôi vậy. Đến cuối trận đấu, tôi đã đánh bại tất cả lũ con trai trên sân bóng, và mọi người khen ngợi về khả năng của tôi.

Tôi đã làm được điều đó. Tôi đã làm được điều tưởng như không thể. Dù đã có lúc tôi muốn trốn vào nhà vệ sinh và không bao giờ bước ra sân bóng, nhưng tôi đã cố thử lại một lần nữa. Có gì đó thúc giục tôi phải bước ra và chứng minh cho mọi người thấy họ đã sai. Cũng giống như trong bóng rổ, mọi người đều muốn quật ngã tôi, nhưng tôi đã lật ngược tình thế.

Điều tuyệt vời nhất của ngày hôm đó là cậu con trai đã cười nhạo tôi, đã đến và nói với tôi rằng: “Trận đấu hay lắm! Cậu chơi rất tuyệt. Hầu hết bọn con gái đều từ bỏ ngay khi tớ chế giễu, nhưng cậu đã quay lại và chơi như Jordan vậy. Tớ đoán là sẽ rất khó để khiến cậu gục ngã. Lần tới, tớ muốn đấu 1-1 với cậu, được chứ?”

Câu nói ấy đã khiến tôi nở một nụ cười kiêu hãnh. Tôi đã thành công thực sự.

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Điều chú mèo Willa biết

Chú mèo Willa đã chỉ cho tôi biết, khi già đi, người ta sẽ có một lợi thế: biết đặt mình vào vị trí nào để có thể nhận được những gì mà mình tìm kiếm.

“Con mèo Willa Cather của em lại ngồi dưới gốc cây cả buổi sáng nay đấy." - Alan nói.

Tôi không cần hỏi chồng mình Willa đã làm những gì dưới gốc cây thông cao hơn ba chục mét tỏa bóng rợp cả sâu sau nhà tôi, vì chắc chắn con mèo lại nằm núp dưới những cành cây chờ đợi một con chim nào đó rơi khỏi tổ. Willa, trông giống hệt một con chim cánh cụt được nhồi bông quá tay, là con chậm chạp nhất trong bốn con mèo nhà tôi. Lúc còn bé, nó không bao giờ chơi trò đuổi bắt hay săn mồi giống các anh chị của mình. Willa thích đồ ăn đóng hộp, được phục vụ hai lần mỗi ngày. Giờ đây khi đã già và trở nên nặng nề, nó càng tỏ ra không một chút hứng thú với việc đi săn. Nó thường ngồi dưới gốc cây, ngẩng đầu và quan sát. Willa biết có tổ chim ở trên đó. Chắc hẳn nó hi vọng rằng, một ngày nào đó, vận may của nó sẽ tới.

Sáng hôm sau, Willa béo ú lại ra chỗ ngồi quen thuộc, thậm chí một sợi râu cũng không động đậy.

“Chẳng có tác dụng gì đâu.”- tôi nói với nó - “Chim hiếm khi rơi khỏi tổ lắm, mày nên thực tế một chút đi.”

Willa phớt lờ lời khuyên của tôi, và suốt cả mùa xuân nó vẫn ngồi dưới gốc cây ấy. Rồi một ngày, đột nhiên chúng tôi không thấy nó ngồi ở chỗ quen thuộc đấy nữa. Thật tuyệt, cuối cùng nó cũng nhận ra điều đó sao. Nhưng tôi đã lầm. Chẳng qua là Willa nhận ra kế hoạch của nó không thể thành công, vì vậy khi mùa hè đến, nó đã quyết định chỉnh sửa lại kế hoạch một chút.

- Ai mang con chuột vào đây thế này?- tôi hỏi chồng mình, vào một sáng tháng Sáu.

- Để anh dọn nó đi- Alan nói- Chắc là con Thackeray rồi.

Tôi không nói gì, nhưng tôi tin rằng việc đó không phải là do con mèo này làm. Nó đã ngủ suốt cả buổi chiều, chỉ còn lại con Charlotte Brontë, hay là…., hừm, không thể được. Những con chuột chết vẫn không ngừng xuất hiện. Sự bối rối của chúng tôi đã nhanh chóng chuyển thành sửng sốt khi tôi phát hiện ra Willa, chính là Willa, đã bắt lũ chuột. Dù vậy, chuyện này vẫn thật khó tin.

- Làm sao nó có thể làm được nhỉ? Nó quá béo, quá già để có thể săn chuột.
bài học cuộc sống Điều Willa biết

Điều Willa biết


Ngày hôm sau, tôi quyết định theo dõi con mèo. Nó không cần phải đi đâu xa, có rất nhiều chuột ở dưới đống gỗ dưới cây thông. Trong suốt thời gian qua, nó không hề chờ đợi lũ chim rơi khỏi tổ, nó chỉ quan sát lũ chuột. Cho đến tận cuối mùa hè, ngày nào tôi cũng đi cùng Willa ra sân sau. Tôi mang theo một chiếc ghế dựa và một cốc cà phê lớn. Bắt chuột, với Willa, không phải là môn thể thao dành cho người thiếu kiên nhẫn.

Kế hoạch của Willa thật hoàn hảo. Nó trèo lên trên đống gỗ, núp vào một góc, ngồi yên không động đậy, chờ đợi cho đến khi con chuột mất cảnh giác. Khi con vật màu xám đó mạo hiểm bò ra ngoài, thì móng vuốt của Willa đã chờ đợi sẵn sàng. Mùa hè năm đó, Willa đã bắt tất cả lũ chuột dưới đống gỗ thông. Hết con này đến con khác, tất cả đều nằm dưới bộ vuốt đầy kiên nhẫn của nó.

Giờ đây, Willa đang nằm cuộn tròn trong lòng tôi. Nó vừa qua tuổi 16, nhưng ngày mai, chúng tôi sẽ có một cuộc hẹn với bác sĩ thú y. Willa mắc bệnh ung thư, chúng tôi không thể làm gì để cứu nó được nữa. Tôi vuốt ve bộ lông rối của Willa, và nhận ra mình thật may mắn khi có được nó, một chú mèo thông minh. Nó đã chỉ cho tôi biết, khi già đi người ta sẽ có một lợi thế: biết đặt mình vào vị trí nào để có thể nhận được những gì mà mình tìm kiếm.

Willa ngước nhìn tôi. Tôi dám chắc là tôi đã thấy nó mỉm cười.

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Thứ tha mãi mãi????

Bài học cuộc sống: Những người yêu thương ta sẽ luôn tha thứ cho chúng ta, mãi mãi...

Lisa ngồi trên sàn với chiếc hộp trước mặt. Cái hộp cũ kĩ đựng một tờ giấy kẻ ô vuông. Và đây là câu chuyện đằng sau những ô vuông ấy...
- Các con phải tha thứ cho anh chị em mình bao nhiêu lần?
- Cô giáo đọc to luôn câu trả lời cho cả lớp nghe: "70 nhân 7 lần!" 
Lisa kéo tay Brent - em trai cô: 
- Thế là bao nhiêu lần?
Brent viết số 490 lên góc vở Lisa. Brent nhỏ bé, vai hẹp, tay ngắn, đeo cặp kính quá khổ và tóc rồi bù. Nhưng năng khiếu âm nhạc của cậu làm bạn bè ai cũng thán phục. Câụ học piano từ năm lên bốn, kèn clarinet năm lên bảy và giờ đây cậu đang chinh phục cây đàn oboa. Lisa chỉ giỏi hơn em trai mình mỗi một thứ: bóng rổ. Hai chị em thường chơi bóng rổ sau giờ học. Brent thấp bé lại yếu, nhưng nó không nỡ từ chối vì đó là thú vui duy nhất của Lisa giữa những bảng điểm chỉ toàn yếu với kém của cô. Sau giờ học, hai chị em lại chạy ra sàn bóng rổ. Khi Lisa tấn công, Brent bị khuỷu tay Lisa huých vào cằm. Lisa dễ dàng ghi điểm. Cô hả hê với bàn thắng cho đến khi nhìn thấy Brent ôm cằm.
- Em ổn cả chứ? Chị lỡ tay thôi mà! 
- Không sao, em tha lỗi cho chị 
- Cậu bé cười - Phải tha thú 490 lần và lần này là 1, vậy chỉ còn 489 lần nữa thôi nhé!
Lisa cười. Nếu nhớ đến những gì Lisa đã làm với Brent thì hẳn 490 lần đã hết từ lâu lắm. Hôm sau, hai chị em chơi bắn tàu trên giấy. Sợ thua, Lisa nhìn trộm giấy của Brent và dễ dàng "chiến thắng".
- Chị ăn gian! - Brent nhìn Lisa nghi ngờ. 
Lisa đỏ mặt: 
- Chị xin lỗi! 
- Được rồi, em tha lỗi - Brent cười khẽ - Thế là chỉ cộng 488 lần thôi, phải không?
Sự độ lượng của Brent làm Lisa cảm động. Tối đó, Lisa kẻ 1 biểu đồ với 490 hình vuông:
- Chúng ta dùng cái này để theo dõi những lần chị sai và em tha lỗi. Mỗi lần như vậy, chị sẽ gạch chéo một ô.
Miệng nói, tay Lisa đánh dấu hai ô. Rồi cô bé dán tờ biểu đồ lên tường. Lisa có rất nhiều cơ hội đánh dấu vào biểu đồ. Mỗi khi nhận ra mình sai, Lisa xin lỗi rất chân thành. Và cứ thế...
Ô thứ 211: Lisa giấu sách Tiếng Anh của Brent và cậu bé bị điểm 0. 
Ô thứ 394: Lisa làm mất chìa khoá phòng Brent...
Ô thứ 417: Lisa dùng thuốc tẩy quá nhiều làm hỏng áo Brent... 
Ô thứ 489: Lisa mượn xe đạp của Brent và đâm vào gốc cây. 
Ô 490: Lisa làm vỡ chiếc cốc hình quả dưa mà Brent rất thích. 
- Thế là hết - Lisa tuyên bố - Chị sẽ không có lỗi gì vơi em nữa đâu.
Brent chỉ cười: "Phải, phải"

bài học cuộc sống: Thứ tha mãi mãi????
Thứ tha mãi mãi????

Nhưng rồi vẫn có lần thứ 491. Lúc đó Brent là sinh viên trường nhạc và cậu được cử đi biểu diễn tại đại nhạc hội New York. Một niềm mơ ước thành hiện thực. Người ta gọi điện đến thông báo lịch biểu diễn nhưng Brent không có nhà, Lisa nghe điện: "2 giờ chiều ngày mùng 10 nhé!" Lisa nghĩ mình có thể nhớ được nên cô đã không ghi lại.
- Brent này, khi nào con biểu diễn? - Mẹ hỏi.
- Con không biết, họ chưa gọi điện báo ạ! - Brent trả lời.
Lisa lặng mãi mới lắp bắp:
- Ôi... Hôm nay ngày mấy rồi ạ? 
- 12, có chuyện gì thế? 
Lisa, bưng mặt khóc nức lên: 
- Biểu diễn... 2 giờ... mùng 10... Người ta gọi điện... Tuần trước...
Brent ngồi yên, vẻ mặt nghi ngờ, không dám tin vào nhữnng gì Lisa nói.
- Có nghĩa là... buổi biểu diễn đã qua rồi? - Brent hỏi.
Lisa gật đầu. Brent ra khỏi phòng, không nói thêm lời nào. Lisa về phòng, ngậm ngùi khóc. Cô đã huỷ hoại giấc mơ của em cô, làm cả gia đình thất vọng. Rồi cô thu xếp đồ đạc, lén bỏ nhà đi ngay đêm hôm đó, để lại một mảnh giấy dặn mọi người yên tâm. Lisa đến Boston và thuê nhà sống ở ngay đó. Cha mẹ nhiều lần viết thư khuyên nhủ nhưng Lisa không trả lời: "Mình đã làm hại Brent, mình sẽ không bao giờ về nữa". Đó là ý nghĩ trẻ con của cô gái 19 tuổi.
Rất lâu sau, có lần gặp lại người láng giềng cũ, bà Nelson.
- Tôi rất tiếc về chuyện của Brent. - Bà ta mở lời.
Lisa ngạc nhiên:
- Sao ạ?
Bà Nelson nhanh chóng hiểu rằng Lisa hoàn toàn chưa biết chuyện gì đã xảy ra. Bà kể cho cô nghe tất cả: xe chạy với tốc độ quá cao, Brent đi cấp cứu, các bác sĩ tận tâm nhưng Brent không qua khỏi.
Ngay trưa hôm đó, Lisa quay về nhà. Cô ngồi lặng yên trước chiếc hộp. Cô không thấy tờ biểu đồ ngày xưa kín đặc các gạch chéo mà lại có một tờ giấy lớn:
"Lisa yêu quý. Em không muốn đếm những lần mình tha thứ, nhưng chị lại cứ muốn làm điều đó. Nếu chị muốn tiếp tục đếm, hãy dùng tấm bản đồ mới em làm cho chị. 
Yêu chị, 
Brent."
Mặt sau là một tờ biểu đồ giống như Lisa đã làm hối bé, với rất nhiều ô vuông. Nhưng chỉ có một ô vuông đầu tiên có đánh dấu và bên cạnh là dòng chú thích bằng bút đỏ: "Lần thứ 491: Thứ tha, mãi mãi!"

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Chỉ cần một người bình thường

Bai hoc cuoc song - Chẳng cần phải là một thế lực cao siêu nào, chúng ta đều có thể là thiên thần của một ai đó.

Một bà cụ nặng nhọc lê bước trên phố. Bà cụ đi chân đất. Trên tuyết. 

Một đôi trẻ, tay xách lỉnh kỉnh những túi to - vừa nói chuyện vừa cười đến nỗi không để ý thấy bà cụ. Một người mẹ dẫn hai đứa con nhỏ tới nhà bà ngoại. Họ quá vội nên cũng không để ý. Một viên chức ôm một chồng sách đi qua, mải suy nghĩ nên cũng không để ý. Bà cụ dùng cả hai tay để khép vạt áo đứt hết khuy, rồi dừng lại, nép vào một góc ở bến xe buýt. Một quý ông ăn mặc lịch lãm cũng đứng đợi xe buýt. Ông cố đứng tránh xa bà cụ một chút. Tất nhiên là bà già rồi, chẳng làm hại được ai, nhưng nhỡ bà ấy bị bệnh lây nhiễm thì sao… Một cô gái cũng đứng đợi xe buýt. Cô liên tục liếc xuống chân bà cụ, nhưng cũng không nói gì. 

Xe buýt tới và bà cụ nặng nhọc bước lên xe. Bà ngồi trên chiếc ghế ngay sau người lái xe. Quý ông và cô gái vội vã chạy xuống cuối xe ngồi. Người lái xe liếc nhìn bà cụ và nghĩ: “Mình không thích phải nhìn thấy cảnh nghèo khổ này chút nào!”. Một cậu bé chỉ vào bà cụ và kêu lên với mẹ:

- Mẹ ơi, bà ấy đi chân đất! Mẹ bảo những ai hư mới đi chân đất, đúng không mẹ?

Người mẹ hơi ngượng ngập kéo tay con xuống: 

- Andrew, không được chỉ vào người khác! - Rồi bà mẹ nhìn ra cửa sổ. - Bà cụ này chắc phải có con cái trưởng thành rồi chứ!

Một phụ nữ mặc áo choàng lông thì thầm:

- Con cái của bà ấy nên cảm thấy xấu hổ mới phải! Người phụ nữ này bỗng cảm thấy mình quả là người tốt, vì mình luôn quan tâm đầy đủ đến mẹ mình. 

- Đấy, ai cũng phải học cách tiết kiệm tiền- Một chàng trai ăn mặc bảnh bao thêm vào. - Nếu bà ấy biết tiết kiệm từ khi còn trẻ thì bà ấy chẳng nghèo như bây giờ!

Một doanh nhân hào phóng bỗng cảm thấy ái ngại. Ông lấy trong ví ra một tờ mười đôla, ấn vào bàn tay nhăn nheo của bà cụ, nói giọng hãnh diện: 

- Đây, biếu bà! Bà nhớ mua đôi giày mà đi! 
bài học cuộc sống Chỉ cần một người bình thường
Chỉ cần một người bình thường
Rồi ông ta quay về chỗ ngồi, cảm thấy hài lòng và tự hào về mình. Xe buýt dừng lại khi tới bến và một vài người khách bước lên. Trong số đó có một cậu bé khoảng 16, 17 tuổi. Cậu ta mặc chiếc áo khoác to màu xanh và đeo balô cũng to, đang nghe headphone. Cậu trả tiền xe buýt và ngồi ngay vào ghế ngang hàng với bà cụ. Rồi cậu nhìn thấy bà cụ đi chân đất. Cậu tắt nhạc, cảm thấy lạnh người. Cậu nhìn từ chân bà cụ sang chân mình. Cậu đang đi một đôi giày cổ lông dành cho trời tuyết. Đôi giày mới tinh và ấm sực. Cậu phải tiết kiệm tiền tiêu vặt khá lâu mới mua được. Bạn bè đứa nào cũng khen! 

Nhưng cậu cúi xuống và bắt đầu cởi giày, cởi tất, rồi ngồi xuống sàn xe, bên cạnh bà cụ. 

- Bà, cháu có giày đây này! - Cậu nói. 

Một cách cẩn thận, cậu ta nhấc bàn chân lạnh cóng, co quắp của bà cụ lên, đi tất và đi giày vào chân bà. Bà cụ sững người, chỉ khe khẽ gật đầu và nói lời cảm ơn rất nhỏ. Lúc đó, xe buýt dừng. Cậu thanh niên chào bà cụ và xuống xe. Đi chân đất trên tuyết. Những người khách trên xe thò đầu ra cửa sổ, nhìn đôi chân cậu thanh niên, xôn xao bình phẩm. 

- Cậu ta làm sao thế nhỉ?- Một người hỏi. 

- Một thiên thần chăng?

- Hay là con trai của Chúa?
Nhưng cậu bé, người ban nãy chỉ vào bà cụ, quay sang nói với mẹ: 

- Không phải đâu mẹ ạ! Con đã nhìn rõ rồi mà! Anh ấy là người bình thường thôi! 

Và việc làm đó, thật sự, cũng chỉ cần một người bình thường.

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Tôi thấy mình khôn lớn

 Câu truyện tình yêu: Tôi thấy mình khôn lớn

Một đứa con trai thân thiết đến nỗi như một phần của tôi, không thể thay thế được, duy nhất và mãi mãi... Nhưng một ngày đẹp trời, nó nói với tôi rằng, nó sẽ đi du học...

Mỗi năm một lần, mỗi năm một lần thổi nến, thổi nến để lớn hơn một tuổi. Tôi cũng có một bữa tiệc cho riêng mình, một bữa tiệc đánh dấu sự khôn lớn của tôi. Đó là một không khí mà tôi ao ước, đầm ấm bên bạn bè, gia đình và đặc biệt một người bạn thân tôi. Một điều ước cho ngày sinh nhật, tôi đã ước, ước sao cho mình lớn thật nhanh, mong có thể trưởng thành và cảm thấy sự khôn lớn trong chính bản thân mình. Biết bao giờ thì cái khái niệm “khôn lớn” và cảm giác trong tôi mới hoà làm một nhỉ? Tôi luôn băn khoăn như thế, cần trải đời nhiều hơn, cần va chạm nhiều hơn? Không quan tâm, chỉ biết, thổi nến rồi là tôi đã khôn lớn. Mười sáu tuổi rồi cơ mà? Tôi nâng ly uống chúc mừng cho sự khôn lớn của mình…

Một ngày mùa hè đẫm nắng. Cái nóng làm tôi như muốn tan chảy, cả ngày chỉ có thể nằm dài ở nhà và than vãn. Chưa bao giờ tôi mong mùa đông đến thế. Dù có nhốt mình trong phòng lạnh cả ngày thì  tôi cũng vẫn cảm thấy uể oải vì thứ nắng hè gay gắt đổ ập vào cửa sổ. Tôi trốn vào góc phòng, ngồi thu lu như một con cún nhỏ, ôm quyển nhật kí và bắt đầu hí hoáy. Trong tôi vẫn đầy cảm giác lâng lâng từ bữa tiệc hôm qua. Tôi thấy mình vừa lớn hơn, đang lớn và sắp tự do rồi. Tôi muốn đi thật nhiều nơi, muốn độc lập, muốn tự mình làm tất cả mọi thứ…

Đang trong dòng hồi tưởng mơ màng, một hồi chuông điện thoại làm tôi giật bắn mình.

“Alô? Ai đấy?”, Tôi cao giọng trả lời theo thói quen.

“Tui! Phương đây”, giọng hớn hở, “Cậu đang làm gì đấy?”, đích thị là có ý đồ gì.

“Chẳng làm gì cả. Gọi làm gì đấy??”, tôi hơi bực. Trời nóng phát điên.

“Ra ngoài chơi đi!! Tôi bảo cái này!!”

Cái giọng tí tởn của thằng bạn làm tôi cáu! Biết ngay thể nào nó cũng muốn hành tôi dưới cái thời tiết kinh khủng này mà! Biết thế, nhưng khổ nỗi tôi lại có cái tính tò mò, nó mà nói thế là khó từ chối được. Tôi băn khoăn, chuyện gì mà nó vui thế nhỉ? Thôi thì cũng đang rảnh việc, tôi quyết định sẽ đối đầu với cái nóng để đi cùng nó! Nó nên cảm ơn tôi một nghìn lần! 

Mặc xong quần áo, trang bị đầy đủ từ mũ, găng tay đến khẩu trang, tôi phi xe đạp ra đầu ngõ. Thoáng từ xa xa đã thấy bóng dáng thằng con trai cao, khoẻ mạnh mặc áo phông xanh quen thuộc. Đúng là nó, Ngọc Phương – kẻ luôn giữ được đầy đủ độ tươi mát của mưa rào bằng nụ cười toả nắng. Tôi thở hắt, tự dưng thấy nhẹ nhõm vì biết rằng người nó đang đợi là mình.

“Hello! Cả ngày bây giờ mới nhìn thấy mặt đấy!!”, Phương toe toét, cười híp cả hai mắt lại.

“Nhớ à?”, tôi lại làm kiêu, “Thế chứ nắng như này bắt tôi loăng quăng ngoài đường chắc??”

Phương nghiêng đầu, cười hehe đến là “gian” rồi tự nhiên xoa đầu tôi một cái. Cũng đã lâu rồi Phương không xoa đầu tôi. Nhìn khuôn mặt nó lúc này tôi lại nhớ về những ngày tháng thơ ấu mà hai đứa cùng chia sẻ với nhau. Ký ức của tôi có Phương, ký ức của Phương có tôi, ký ức của chúng tôi là của nhau. Chúng tôi thân thiết từ hồi bé xíu, như một mà hai. Phương là một cậu con trai rất được, với người lớn thì hiền lành lễ phép, với bạn bè thì tốt bụng, quan tâm, và với tôi – bạn thân nhất của nó – thì nó luôn đặt lên hàng đầu. Kể cả là ba giờ sáng, tôi đói, nó cũng sẽ sẵn sàng lượn chợ đêm để mua đồ ăn cho tôi. Hay khi tôi buồn vì điểm kém, nó sẽ dùng mọi cách ngu ngốc để làm tôi cười, rồi sau đó dạy tôi học lại. Mà nếu tôi bị đau vì bị ai bắt nạt, kẻ đó nhất định sẽ phải “trả giá” đắt gấp đôi những gì đã gây ra. Phương học karate từ nhỏ nên lũ con trai trong trường rất nể nó. Nhờ thế, suốt quãng thời gian đi học tôi luôn có người bảo vệ. Dĩ nhiên Phương ghét bị gọi là “người bảo vệ”, nhưng chẳng biết từ bao giờ mà việc ở bên cạnh tôi đã là điều đương nhiên với nó rồi. Cả tôi cũng vậy. 

Với tôi, nó là một phần không thể thay thế được, là duy nhất và mãi mãi. Tôi cần nó như cần chính bản thân mình. Tôi cần cái sự ngốc nghếch của nó để cười mỗi khi buồn, cần bờ vai của nó để dựa vào mỗi khi muốn khóc hay cần bàn tay to ấm áp che chở mỗi khi cảm thấy sợ. Ai sẽ kéo tôi đứng dậy sau những vấp ngã? Là nó! Phải là nó! Tất cả những điều này nó đã, đang làm cho tôi. Tôi nghĩ mình là một người vô cùng may mắn.

Nghĩ đến đó tôi bất chợt cười.

Nó liếc mắt nhìn rồi hỏi, “Cậu nghĩ cái gì thế? Lại nghĩ linh tinh gì hả?”.
“Chỉ là… cảm ơn cậu!”, tôi cười – một nụ cười dịu dàng hiếm hoi.

“Hả?”, Phương tỏ ra kinh ngạc, “Không bị điên đấy chứ?? Thôi đừng đùa nữa!! Tôi sợ cậu lắm!!”

“Không! Nói thật đấy! Tôi đang nghĩ, chúng ta sẽ đi cùng nhau đến khi nào. Hôm nay? Ngày mai? Hay là mãi mãi?”

“À…”, tự dưng Phương ngập ngừng, “Cái đó…”

“Mà cậu đang đi đâu thế?”. Tôi vô tình cắt ngang, xong không có lý do gì để hỏi lại nên đã bỏ qua luôn cái thái độ bất thường vừa rồi của nó.

“Ờ quên chưa nói! Đến quả đồi đằng kia! Tôi mới khám phá ra đấy!”

Phương hớn hở, chỉ tay về phía xa xa sau những toà nhà cao tầng. Tôi chẳng nhìn thấy rõ nhưng cũng gật gù đi theo nó. Khoảng mười lăm phút sau thì đến nơi. Dựng xe đạp ở dưới chân đồi, nó kéo tôi nhanh chóng leo lên đỉnh. Sườn thoải, cỏ xanh mượt và rất mềm. Nóng quá. Ánh nắng rọi xuống sáng cả một khoảng nơi tôi đang đứng… Tôi và nó ngồi xuống, chẳng biết vì sao lại đi ôn lại những chuyện cũ. Từ ngày bé thơ, đến những việc linh tinh diễn ra gần đây. Phương lại xoa đầu tôi, đến lạ.

Chiều cũng dần xuống. Nó chỉ cho tôi mặt trời lặn, đẹp và rõ ràng. Cả một vùng trời nơi ấy ửng hồng lên, in lên con sông phía dưới một hòn lửa đỏ rực.

“Cậu dẫn tôi đến đây làm gì?”, tôi vu vơ hỏi.

“À… Để…” - Phương cười ngập ngừng, như muốn nói gì đó mà bị nghẹn ở cổ họng.

“Xem mặt trời lặn à?” - tôi vẫn mơ màng nhìn cảnh đẹp.

“À… Ừ…” - Phương nhìn xuống nơi bàn tay mình đang bấu chặt một nhánh cỏ…

Tôi nhìn nó cười hì. Mặt trời đẹp lắm, rạng rỡ như những gì nó dành cho tôi và cũng êm dịu như tình cảm và những ngày tháng cả hai đã cùng đi qua vậy. Bầu trời lúc này có màu bình yên, như màu của ký ức…

“À thế hôm sinh nhật cậu đã ước gì?” -  Phương hỏi, có lẽ chỉ để tìm một chủ đề để nói.

“Ước à?” - tôi tự lặp lại câu hỏi - “Nói ra mất thiêng đấy!”

“Là tôi mà cậu còn giấu à? Tôi đã bao giờ giấu cậu cái gì đâu chứ!!”

“Thôi thôi được rồi tôi nói” - tôi gàn ngay bài ca muôn thưở của nó lại, “Tôi ước mình khôn lớn!”, rồi cười đầy tự hào.

“Sao? Khôn lớn à? Cậu cũng muốn khôn lớn à?” - nó ngạc nhiên.

“Ừ tất nhiên rồi!” - tôi vênh mặt, cười thích thú.

“Thế thích lớn để làm gì?”

“Lớn để được tự do, để được thực hiện ước mơ, làm cái mình muốn, làm cái mình thích!”

“Ahhhhh Ước mơ!”, Phương reo lên, cười rạng rỡ, đẹp hơn cả mặt trời, “Vậy hãy chuẩn bị cho nó đi! Như tớ này tah-dah!!!”

Nói xong, Phương giơ ra trước mặt tôi một tờ giấy, chính xác hơn là một bức thư. Tôi không hiểu chuyện gì cả.

“Đùa à? Cái gì đây?”, tôi nói giọng mỉa mai, “Cậu thì làm gì chứ?”

Phương lại xoa đầu tôi, “Ngốc  ạ! Chúng ta rất giống nhau mà!”

“Tôi đã nộp hồ đơn, hồ sơ và một số thứ khác để xin học bổng, ra nước ngoài học..”

“Hả???”, tôi gần như hét lên, “Cậu đi nước ngoài hả?? Vậy kết quả thế nào rồi?”, và chẳng để nó nói hết câu, tôi đã toét miệng ra cười, tay nọ tay kia lay lay người nó hỏi dồn. Mắt tôi sáng rực lên, trong giây lát tôi đã thật sự mừng cho nó.

“Ừ. Người ta đã đồng ý rồi!”, Phương nhìn tôi bằng đôi mắt cười. Cười toả nắng…

Thật không thể tin! Thằng bạn thân nhất của tôi được ra nước ngoài học, cái mà tôi vẫn mong ước bấy lâu nay. Tôi đã hét còn to hơn cả nó cho cái tin mừng này. Tôi lao vào ôm Phương, cứ thế reo mừng. Nhưng thật ngốc, tôi đã không biết khi phải nhìn vào thực tại, tôi sẽ thế nào…

“Thế bao giờ đi?”

“Cái đó…”, Phương tránh ánh mắt tôi, “Tuần sau.”

“Nhắc lại!”, tôi gần như nghẹt thở.

“Tuần sau”, nó trả lời dứt khoát.

Tôi không nói được gì  thêm, toàn thân như đơ cứng lại. Tuần sau à? Bây giờ mới ngỡ ra… Hụt hẫng. Buồn. Tuyệt vọng… Tôi cười dài, cười ra tiếng nhưng nó lại cứ méo mó đến tội . Tự dưng tôi chẳng hiểu mình đang định hỏi cái gì nữa và cũng không biết muốn nghe từ nó những gì. Tôi thấy mắt mình ướt, hai bên má cũng giàn giụa nước mắt rồi. Nhanh quá! Mọi thứ đột ngột quá! Tôi còn chưa thấy mình khôn lớn. Thế mà… Bất giác, tôi không kiềm chế được mà đứng phắt dậy và bỏ đi, chỉ thấy văng vẳng bên tai tiếng gọi của Phương. Tai tôi ù ù, tôi chẳng nghe rõ được tiếng nó. Mọi thứ quanh tôi như tối đen lại…

Tối đó, tôi ngồi khóc, khóc một mình. Gối ướt đẫm, toàn thân tôi mệt nhoài, đầu óc trống rỗng. Tôi không biết nữa, tự  dưng thấy sợ. Cái cảm giác cô đơn trỗi lên đến mức ám ảnh, mãnh liệt và sâu sắc. Hụt hẫng lắm! Tuyệt vọng lắm! Nó đi à? Không! Không được! Tôi không đồng ý! Tôi không cần nó phải an ủi…

Những hồi chuông cửa liên tục vang lên. Nó vào, nhưng tôi không gặp. Chính xác hơn, tôi không đủ sức để đối mặt với nó. Tất quá đã quá sức chịu đựng rồi. Còn những lời hứa cần cùng nhau thực hiện? Còn những kỉ niệm? Không! Không đời nào tôi chấp nhận! Tôi không để nó đi đâu cả! Nhất định là không!

Nó tự ý ẩy cửa bước vào phòng tôi, giống như mặt trời rọi vào bóng tối. Phương nhẹ nhàng lên tiếng, dịu dàng hơn bất cứ lúc nào.

“Xin lỗi”, Giọng nói trầm làm tôi bật khóc.

Xin lỗi à? Xin lỗi vì  cái gì chứ? Ở lại là được rồi!

“Hãy nói là cậu đang nói dối! Cậu sẽ không đi phải không? Nói đi! Cậu đang nói dối thôi!!”

Tôi lao người về phía Phương, vẫn khóc như điên dại, nhưng lại chỉ nhận lại hai tiếng “xin lỗi” chẳng có ý nghĩa gì. Tôi chỉ biết cười ngặt nghẽo, nước mắt chảy dài. Quả thật mệt mỏi quá!

“Nói dối!! Không thể nào!!”, tôi tức giận, lấy gối đáp vào người Phương.

Cậu đột nhiên lại gần tôi và giữ chặt hai cánh tay tôi không cho cử động.

“Đó là sự thật! Cậu nên chấp nhận nó!”

“Chấp nhận à? Chấp nhận! Cậu cứ đi đi và quên luôn tôi đi!!!”

Tôi biết mình rất thiếu suy nghĩ. Nhưng lúc đó, nào tôi nghĩ được điều gì hơn. Tôi đuối sức, không gào được nữa, chỉ còn đôi mắt là vẫn trân trân nhìn vào nó đầy hy vọng…

Nhưng Phương còn buồn hơn tôi. Khoé mắt nó cũng có chút gì đó. Có  lẽ nó đã lường được trước cảnh này, có  lẽ nó cũng thừa hiểu đây là lần  đầu tiên tôi phải trải qua cảm giác bị bỏ  rơi là như thế nào. Nó nhìn tôi một hồi lâu.

“Cậu nhớ không? Nhớ là cậu đã ước gì không? Là cậu muốn khôn lớn, muốn được tự do thực hiện ước mơ. Tớ cũng vậy. Cậu phải chấp nhận. Cậu biết khôn lớn là thế nào không? Cậu có hiểu mình đang ích kỉ không? Ích kỉ thì chỉ là trẻ con thôi. Vậy bao giờ cậu sẽ khôn lớn?””

Nó nghiêm mặt nhìn tôi và  nói bằng giọng trách móc nhưng cũng đầy yêu thương, có  gì đó vừa dữ dằn vừa dịu dàng đến lạ. Tôi sững người lại. Tôi hiểu nó đang nói gì, nhưng tôi sợ và không biết phải xử sự thế  nào. Nó cũng có ước mơ, cũng muốn khôn lớn. Còn tôi thì quá ích kỉ, đầu óc ngập đầy ích kỉ của trẻ con. Khôn lớn à? Khôn lớn gì mà lại ích kỉ như thế? Tôi chẳng biết chấp nhận, chẳng biết nghĩ cho người khác. Nó cứng rắn hơn tôi, bản lĩnh hơn tôi, và dám nghĩ dám làm. Nó khôn lớn hơn tôi rồi…

Bất giác tôi lao vào ôm nó, khóc nức nở, khác hoàn toàn với một cái tôi ngoan cố và bướng bỉnh thường ngày. Từ lúc  ấy tôi nhận ra tôi cần phải để nó đi. Muốn khôn lớn, đây là bài học đầu tiên của tôi.

Một tuần sau, Phương đi. Tôi ra sân bay tiễn nó, còn mang theo một con gấu bông mà tôi yêu nhất để tặng nó làm quà. Tôi bảo, đó là tôi, và nếu thấy buồn thì hãy nói chuyện với con gấu đó. Tôi cố cười thật tươi và giữ một tâm trạng thoải mái nhất. Rồi tôi cũng sẽ tới được nơi nó tới và chúng tôi sẽ lại gặp nhau, đi cùng một con đường. 

Tôi thấy mình khôn lớn bài học tình yêu
Tôi thấy mình khôn lớn

Trước khi vào phòng đợi, tôi thì thầm vào tai nó.

“Cậu đang khôn lớn đấy!”

Nó cười, xoa đầu tôi rồi hôn nhẹ lên trán tôi một cái.

Nó bảo, “Cậu cũng đang khôn lớn.”

“Ừ. Tôi thấy mình khôn lớn!”

Phải. Tôi thấy mình khôn lớn!

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Đôi bàn tay kì diệu của mẹ

Bài học cuộc sống: Mẹ nắm chặt tay tôi và trìu mến nói: “Con à! Trên đời không ai là không có sai lầm cả. Quan trọng là nhận ra lỗi của mình và sửa sai để rồi vững bước đi tiếp.”

Tôi là một đứa con gái hư hỏng và đua đòi ăn chơi. Lúc nào cũng chưng diện, tô son trát phấn và ăn mặc lòe loẹt cho bằng bạn bằng bè. Tôi thường hay đi chơi đêm, đua xe trên các tuyến đường lớn để thể hiện bản lĩnh. Vào quán bar là sở trường của tôi, nơi đó tôi có thể thoải mái nhảy nhót, la hét mà không sợ làm phiền ai. Tôi chỉ thích uống những loại rượu nặng để thật say rồi ngủ đến sáng và quên đi mọi phiền muộn. 

Tôi chìm trong tội lỗi không thể nào vực dậy được. Ngủ dậy thì tôi ăn vài miếng trái cây rồi tiếp tục đi chơi. Thời gian tôi ở nhà chỉ bằng một phần mười thời gian mà tôi chè chén, nhậu nhẹt. Có lúc tôi đã muốn tu tỉnh làm lại từ đầu nhưng vì bị dè bỉu, xa lánh của họ hàng, làng xóm, tôi lại đắm chìm trong men say. Có lúc tôi đã muốn gục đầu vào bờ vai của ai đó để khóc, để tâm sự, giải tỏa hết những nỗi buồn bực chất chứa trong lòng bấy lâu nhưng ai gặp tôi cũng thấy khó chịu, ghét bỏ. 

Tôi thành ra như thế này cũng vì gia đình tan vỡ, ba mẹ ly hôn khi tôi đủ khôn lớn. Ba theo người phụ nữ khác và sống cuộc sống giàu có, dư giả trong khi mẹ con tôi thì nghèo đói, thiếu trước hụt sau. Tôi sống với mẹ trong căn nhà chật hẹp. Mẹ phải làm thuê làm mướn khắp nơi để lo cho tôi ăn học, nhưng tôi đâu có tốt lành như mẹ nghĩ. Tôi trốn học triền miên, gây gổ với đám bạn rồi mượn tiền khắp nơi để tiêu xài. Có lần tôi đánh nhau với nhỏ Lan, nó là dân đầu gấu tai tiếng trong trường. Nhỏ Lan hẹn tôi ra vườn cao su sau cổng trường để “nói chuyện”.  Tôi cũng đâu có vừa, thủ trong người dao lam để phòng thân. Lúc ra đó, tôi gặp một đám côn đồ do nhỏ Lan cầm đầu. Trong nhóm đứa cầm cây, cầm dao và cả lọ axit. Tôi bắt đầu hoảng sợ vì chỉ có một thân một mình. Tôi lấy hết bình tĩnh hét to: “Sao mày đê tiện quá vậy hả? Tao ra đây để nói chuyện với mày chứ có phải nói với tụi kia đâu mà mày kéo tụi nó ra đây làm gì? Nếu lũ chúng mày đánh tao thì tụi bay là chó chứ không phải là người.” Nghe tôi nói thế bọn kia hùng hổ xông tới nhưng nhỏ Lan cất tiếng: “Tụi mày xê ra coi, để tao nói chuyện với nó.” Thế rối bọn đó lui ra rồi xì xầm gì đó với nhỏ Lan… Lúc sau nó lại gần tôi và chửi: “Mày là con đê tiện nhất mà tao từng biết. Mượn tiền tao rồi giờ muốn quỵt hả mày? Không chịu trả hả?”

Bốp….bốp…. Nhỏ tát vào mặt tôi rồi tôi nắm tóc, cào cấu nó. Hai đứa vật lộn trên cỏ. Lúc sau cả nhóm đó lao vào đánh tôi túi bụi. Tôi không thể chống cự nổi, cứ để chúng dẫm đạp lên mặt, nắm tóc kéo lê như một con chó chết trên đường. Lúc tôi gần xỉu thì nghe có tiếng thét : “Ôi con! Con bị làm sao thế này, mấy đứa ơi tha cho con cô đi! Cô xin mấy đứa đó. Huhu!”. Nhỏ Lan cất tiếng: “Bà về mà dạy lại con bà nghe chưa! Đi về tụi bay!”. Rồi đám đó kéo về, tiếng xe rú ầm lên inh ỏi đi ngang qua mẹ con tôi như thách thức. Mẹ vội vã bế tôi lên xe và đưa vào bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán rằng tôi bị chấn thương sọ não khá nặng và có nguy cơ tử vong. Mẹ khóc òa lên và cầu xin bác sĩ hãy mau mau phẫu thuật hay làm gì đó để cứu lấy mạng sống tôi. Chi phí khoảng năm chục triệu, đó là một khoản quá lớn so với sức lực của mẹ nhưng bà vẫn chạy vạy khắp nơi, thậm chí thế chấp cả ngôi nhà và miếng đất nhỏ bé để có tiền trang trải viện phí.
bài học cuộc sống: Đôi bàn tay kì diệu của mẹ
Đôi bàn tay kì diệu của mẹ
Sau một tuần thì tôi đã được phẫu thuật xong xuôi và qua cơn nguy hiểm. Mẹ lại khóc òa một lần nữa. Ngồi bên giường bệnh, mẹ mớm cho tôi như dỗ dành một đứa trẻ. Tôi bật khóc và xin lỗi mẹ thật nhiều. Tôi thật hối hận về những lầm lỗi của mình. Mẹ nắm chặt tay tôi và trìu mến nói: “Con à! Trên đời không ai là không có sai lầm cả. Quan trọng là nhận ra lỗi của mình và sửa sai để rồi vững bước đi tiếp.” Nghe lời mẹ nói, tôi thầm hứa với lòng rằng từ nay trở đi tôi sẽ không bao giờ làm mẹ phiền lòng một lần nào nữa. 

Xin cảm ơn mẹ vì đã sinh tôi ra trên đời này và đã bao dung che chở cho tôi, giúp tôi vượt qua ngưỡng cửa gần kề cái chết này. Cám ơn đôi tay kì diệu của mẹ đã nắm lấy tôi kịp thời, đưa tôi ra ánh sáng và làm lại cuộc đời mới! Cảm ơn mẹ thật nhiều!...

Một tháng sau thì tôi ra viện, tôi đã khỏe hơn và tinh thần cũng thoải mái hơn. Tôi tu tỉnh, quyết tâm trở thành người tốt và học hành nghiêm chỉnh. Tôi thường phụ mẹ bán chè ngoài phố, khi rảnh thì cùng đi cắt cỏ, cấy lúa, làm thuê làm mướn với mẹ. Hai mẹ con như hình với bóng và dần dần hàng xóm cũng thương tôi hơn và có ánh nhìn thiện cảm về tôi. Tôi dần cảm thấy ấm lòng và tràn ngập hạnh phúc.

Hai năm sau, thời khắc tôi đối mặt với kì thi tuyển sinh Đại học-Cao đẳng. Tôi cố gắng học hành và ôn luyện. Và kết quả cuối cùng tôi đã đậu được vào trường Đại học Y Dược với số điểm khá cao. Mẹ tôi mừng lắm, hàng xóm, láng giềng cũng chúc mừng và cho tôi ít tiền. Đậu được ngôi trường này tôi rất vui nhưng cũng rất lo vì gia đình tôi nghèo quá, không thể kham nổi chi phí học. Mẹ biết được điều đó nên đã khuyên tôi rằng: “Con à! Cơ hội chỉ đến một lần trong đời mà thôi, mình phải nắm bắt nó. Con đừng lo lắng gì cả, cứ yên tâm học hành đi, mẹ sẽ lo tất cả. Mẹ lo được mà.” Lúc đó tôi đã ôm chầm lấy thân hình bé nhỏ của mẹ, gục đầu lên đôi vai đã gánh chịu quá nhiều nỗi khổ. Tôi bật khóc. Nước mắt cứ tuôn như thế vì tôi rất hối hận. Giá như ngày xưa tôi không hư đốn thì mẹ đã không khổ như bây giờ. Tôi cảm thấy thương mẹ thật nhiều. 

Nhờ “đôi tay kì diệu” của mẹ đã nâng đỡ tôi vượt qua mọi chuyện mà tôi mới có được ngày hôm nay. Một lần nữa xin cảm ơn mẹ yêu của con nhé!
Trong cuộc sống, có khi bạn sẽ yếu đuối và vấp ngã. Hãy can đảm lên và đừng lo lắng gì cả! Hãy tin rằng bên cạnh bạn sẽ luôn có một người che chở và nâng đỡ bạn bất cứ khi nào. Sẽ có một đôi tay vỗ vai bạn và nói rằng: “Cố lên con nhé! Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua thôi!”. Đôi tay ấy sẽ tiếp sức cho bạn trong suốt chặng đường đấy! Hãy luôn quí trọng những giây phút bên gia đình và sống thật tốt bạn nhé!

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

13 - Kì 2: Mùng 8 tháng 3

 Câu truyện tình yêu: 13 - Kì 2: Mùng 8 tháng 3

 Kỳ 1: 13 - Kì 1: Thứ 6 ngày 13 và chuyến xe bus số 13

Quay đi quay lại đã gần một tháng trôi qua, vậy là chỉ còn lại bốn. Hôm nay mùng 8/3 cơ đấy, mong là đến lớp mấy đứa con gái lớp tôi sẽ lèo nhèo xin thầy Địa không kiểm tra bài cũ...

08/03/2009

Quay đi quay lại đã gần một tháng trôi qua, vậy là chỉ  còn lại bốn. Hôm nay mùng 8/3 cơ đấy, mong là  đến lớp mấy đứa con gái lớp tôi sẽ lèo nhèo xin thầy Địa không kiểm tra bài cũ. Tôi chưa học bài, lại cũng chưa có điểm miệng nữa. Nhưng mà nhỡ thầy lại chuyển tông sang “chỉ gọi các bạn trai” thì chắc chết, mà điều này dễ xảy ra lắm. Lát lên xe lại phải học vậy chứ biết làm thế nào.
Chiếc cửa xe lại đóng “Xịch” một tiếng, nhưng không phải tự động như mọi khi, mà lần này là do tay người. Chú lại xe nhíu mày nhìn cảnh cửa bất trị, ngán ngẩm:

·                Cứ mấy hôm lại dở chứng thế này, tay mình mấy hôm nữa lại có bắp ấy chứ.

·                Thôi hôm nay 8/3, đứng đấy mở cửa cho các chị các cháu cho nó khỏe người-bác lái xe mắt vẫn nhìn đường, nói chen.

Chú lái xe cười lớn, rút tập vé đi xuống cuối xe. Hôm nay tôi lại lên trước, có được chỗ ngồi cuối cùng. Còn con bé vẫn giữ bộ mặt tưng tửng như mọi hôm, đứng vịn vào thanh bám ngay bên cạnh.

Tôi phải làm điều gì khác nhỉ, đường đường một đấng nam nhi, lại còn 8/3 nữa. Gập quyển vở Địa lại, tôi đứng dậy, bám vào thanh bên cạnh. Con bé nhìn tôi tròn mắt.

Nhưng nó  chưa kịp ngồi xuống thì một chị con gái khác đã chen ngay trước mặt hai chúng tôi, nhanh nhanh chóng chóng yên vị trên chiếc ghế. Tôi nhìn chị ta chằm chằm, còn con nhỏ kia chỉ bụm miệng nín cười. Thôi vậy, đằng nào thì cũng là nhường ghế.

Xe chạy  đều, chú phụ xe vẫn cần mẫn đứng ở  cửa mở cho khách lên xuống. Tôi nhìn những dòng người ngược xuôi , cả những người đang túm tụm rất đông ở dãy những hàng hoa đầu phố.

·                Anh học Địa thầy Hà hả?- con bé vẫn một tay bám, mắt nhìn về cùng hướng với tôi, khi nó không nói to, giọng nó nhẹ kinh khủng. Dường như những từ nó nói chỉ có mình người đứng cạnh nghe nổi.
·                Uhmm
·                Vì anh hôm nay rất tốt, anh sẽ không bị gọi lên bảng đâu.-vẫn cái giọng đều đều thổi vào tai tôi.
·                Hả ?- tôi không hiểu nổi nó đang nói gì nữa.
·                Uhm, nhưng chỉ hôm nay thôi. Buổi sau thì em không chắc, nhưng đúng đấy, hôm nay anh sẽ không phải lên bảng.-nó nói, không để ý đến phản ứng của tôi, và kết thúc bằng một nụ cười nhẹ.

Và  các bạn biết không ? Đúng là hôm đó tôi không phải lên bảng. Mà cả lớp chẳng ai phải lên hết, thầy giáo hôm nay nghỉ dạy đưa vợ  vào viện sinh em bé.

Con bé  có gương mặt nhẹ nhõm, giọng nói nhẹ tênh, đến nụ cười cũng như không trọng lượng Thế nhưng ấn tượng mà nó để lại trong tôi không nhẹ một tí nào.

Để kỉ niệm ngày tôi và nó nói chuyện, tôi không gọi nó là “nó” hay “con bé” nữa, mà sẽ là “em”.
……

Bạn có  thể nói là tôi thích em.

Uh, điều  đó có thể đúng, nhưng tôi cũng có thể  phản biện là tôi không hề thích. Đó là một cảm xúc lạ, bởi vì em thật khác thường.
Bài học tình yêu: 13 - Kì 2: Mùng 8 tháng 3

13 - Kì 2: Mùng 8 tháng 3



Một ngày khác vào cuối tháng 3

Đã cuối tháng 3 nhưng trời vẫn rất lạnh. Con đường đi bộ dài dẫn ra bến xe bus gió thổi hun hút. Siết chặt hơn chiếc khăn trên cổ, tôi ngồi xuống ghế đợi, và thấy em bước xuống từ một xe bus khác.Nhẹ nhàng như chiếc lá, em nở nụ cười nhẹ tênh quen thuộc, và tôi phải thề một lần nữa, nụ cười ấy khiến tôi thấy ấm áp vô cùng. Khăn quàng màu xanh lá và kem, ba lô da cam tươi tắn, em làm sáng bừng cả một góc trời xám xịt. Nhìn một cô bé có gương mặt, giọng nói và nụ cười nhẹ vào mỗi sớm có lẽ đã trở thành điều không thể thiếu trong một ngày.

Để có một chút thanh thản, với em thật dễ dàng.

Giữa tháng 4/2009

Lũ  học sinh lớp 12 láo nháo chuẩn bị cho các môn thi tốt nghiệp. Xếp lại chồng sách, nhìn thấy quyển vở Địa, tôi lại nhớ đến em. Xe 13 giờ đã đông lên trông thấy,có lẽ vì người ta đã nhận ra nó có những điểm hay ho đến cỡ nào. Nhưng xe đông nghĩa là tôi chỉ có thể thoáng nhìn thấy em, rồi lại hối hả chen để có được một chỗ đứng tiện lên xuống. Mà thật ra với tôi thế là đủ, chỉ cần nhìn thấy khuôn mặt và nụ cười ấy mỗi ngày thôi, là ngày hôm ấy tôi sẽ làm tốt tất cả mọi thứ. Thật sự là như thế, đó như thể là loại bùa may mắn, loại bùa của riêng tôi mà chỉ mình em có thể đem đến.

Đầu tháng 5/2009

Có  một ngày nọ 13 không có em. Vẫn bác lái, bác phụ  xe và cụ già ngồi ghế đầu như thế, nhưng 13 không còn là 13 của mọi ngày. Vắng nụ cười nhẹ và tiếng chào lảnh lót, trống trải lạ. Rồi hôm ấy trả bài kiểm tra mấy môn học thuộc có thi tốt nghiệp, mặc dù tôi nhớ là tôi làm không đến nỗi nào,nhưng kết quả thì thật kinh khủng. Nhầm đề, nhầm tên chiến dịch.Thầy cô nhắc khéo, cứ học thế này trượt tốt nghiệp đấy em ạ. Những lời nói lùng bùng bên tai, vào tai này rồi qua tai nọ, tôi chán nản. Giờ ra chơi tôi không túm tụm với mấy thằng như mọi ngày, mà ra ngồi ở ghế đá đằng sau canteen, ngửa mặt ngắm giàn gấc đầu hạ rồi mà vẫn loe hoe vài cái lá.

Bất chợt em đi qua.

Em bước từ cổng sau của trường, cánh cổng chỉ dành cho những học sinh đi học muộn ( =) ) Ra là thế, lý do không có mặt trên xe 13 hôm nay là đây.

Em đi vòng theo cầu thang phụ, một lúc đã thấy thấp thoáng chiếc ba lô màu da cam ở tầng 3. Tự nhiên những bực bội về chuyện học hành thi cử dường như theo chiếc ba lô màu cam ấy biến đi đâu mất. Thở dài một cái, cười toe, lại quay lại tiếp tục với cuộc chiến học hành.

Vậy  đấy. Không hẳn là tôi thích em, đó chỉ là  cảm giác về một thứ bùa may mắn đã gắn bó thân quen, một thứ ma lực nào đó tỏa ra từ gương mặt với nụ cười nhẹ bẫng.
Tháng 03/2010

8 tháng trôi qua, và 6 tháng tôi không đi bus. Từ ngày thành sinh viên, xe máy trở thành người bạn mới của tôi. Tiện lợi, chủ động, ra dáng người lớn, nhưng không còn được nghe radio vào mỗi buổi sáng, nhìn dòng người ngược xuôi qua lại qua ô cửa rộng, hay ngủ quên trên chiếc ghế trên cùng của 13. Nhất là không được nhìn thấy em. Khi đã có được tự do thực sự, tôi vẫn không tài nào tìm được sự thanh thản đến thế trong chính mình,hay trong bất cứ người nào tôi quen. Em là người thật đặc biệt,và duy nhất, cô nhóc với gương mặt nhẹ bẫng, giọng nói nhẹ tênh, và nụ cười không trọng lượng.

·                Về trường lấy bằng tốt nghiệp không mày? Ra trường được gần một năm mà cái bằng còn chưa lấy?- thằng bạn thân cấp 3 gọi điện cho tôi vào một buổi tối tháng 3. Lúc này Hà Nội đã sang xuân,nhưng mùa xuân năm nay nóng nực như mùa hè chứ không lành lạnh như năm ngoái.

·                Ờ- tôi trả lời bâng quơ.- Bao giờ mày?


·                Sáng mai. Hẹn nhau cổng trường 8h nhé. Xong anh em đập phá với nhau một hôm. Cả tháng rồi chưa thấy cái mặt mày đâu.

·                OK.


Buổi sáng, tôi dắt xe ra khỏi cổng, rồi nghĩ thế nào lại dắt xe vào. Không biết sau 8 tháng rồi, 13 của tôi đã thay đổi ra sao…

Mỗi chiếc xe bus đều có đặc điểm riêng. Xe 32 đông và nhốn nháo với đủ mọi loại người, xe 18 đi qua chợ Long Biên, trên xe phảng phất mùi hàng khô của các bác bán hàng trong chợ, xe 20 mỗi ngày mưa lại đóng một lớp đất đỏ dính đầy vào đế giày. Và xe bus 13 lúc 7h15 và 12h05 cũng thế, nó có bác lái hay nghe Xone FM, có chú phụ xe mê Harry Potter, có cụ già ưa ngồi hàng ghế đầu, và có em.

12h trưa.

Bến xe chỉ có 2 tuyến, lố nhố bóng mấy  đứa học sinh đứng ngóng . Lấy bằng và đàn đúm với bạn trong chốc lát, tôi lại về chỗ đứng quen thuộc suốt năm lớp 12. Đợi xe, và đợi một người.

Em tới. Bước vội từ phía cổng trường cùng hai cô bạn.
Chiếc ba lô da cam ngày nào đã chuyển thành một chiếc túi màu đen. Trời không đủ lạnh để lại quàng chiếc khăn xanh lá, nhìn em đã chững chạc hơn nhiều so với cô học trò lớp 10. Nhưng nét nhẹ nhõm thuộc về bản chất thì vẫn không thay đổi, em lại cười. Nụ cười độc quyền của riêng em.

Nhìn thấy tôi, em dừng lại. Đôi mắt mở to lạ lùng. 13 đến. Và chúng tôi lại cùng lên xe.

Một người khác nữa bất ngờ khi nhìn thấy tôi. Chú phụ xe vỗ vai như gặp lại người bạn lâu ngày :

·                Lâu lắm mới thấy anh bạn này lại đi 13.

Tôi cúi  đầu chào, có lẽ đến lúc này chú đã  đọc xong cả 7 phần Harry Potter rồi. Cụ già  vẫn ngồi ghế đầu như thế, bác lái xe đã chuyển sang nghe VOV1 vì buổi trưa không có XoneFM. Xe chạy, có ánh mắt nhìn về phía tôi. Không khí thân thuộc, gió tháng 3 thổi qua những ô cửa mát lạnh, thấp thoáng bóng những cây hoa sưa trắng muốt ven đường.

Tôi và  em xuống xe. Theo thông thường, tôi sẽ về nhà , còn em ngồi đây chờ chiếc xe bus thứ hai. Tôi ngần ngừ, chưa dám nói muốn nói một điều gì đó.

·                Anh gì ơi ?

Tôi giật mình. Không ngờ em lại là người lên tiếng trước. Quay lại thì em đã đứng ngay sau tôi rồi.

·                Không ngờ là có ngày anh lại đi 13 như thế. Em đã để nó trong cặp suốt từ ngày xuất bản, vẫn tin là sẽ gặp lại anh- em cười, nụ cười nhẹ nhạt nhòa trong nắng. Em ấn vào tay tôi một quyển sách.

·                Sách của em. Hãy đọc nó nhé, và biết nói sao nhỉ…chào anh- em cúi đầu, chiếc xe bus thứ hai vừa dừng lại.


Tôi  đứng nhìn theo chiếc xe cho đến khi nó rẽ vào một con phố khác và khuất hẳn. Tất cả diễn ra thật nhanh, vụt qua như chiếc xe 32 bỏ lại tôi ngày nào, và giờ tôi đứng đó với cuốn sách của em trong tay.
……
Cuốn sách ấy đúng là của em. Không phải vì em mua nó, mà là vì em là tác giả. Tôi nhận ra ảnh em cười tươi tắn, nụ cười nhẹ nhàng trên bìa sau cuốn sách nhiều màu. Nó là tuyển tập truyện ngắn, loại sách mà giờ đây được xuất bản “dành cho teen”. 13 truyện ngắn, với một lời tựa:

“ Tặng những người bạn thân thiết nhất đời tôi
Tặng xe 13 và những con người dễ  mến
Đặc biệt là tặng anh, cảm hứng của em…
Nếu một ngày em còn gặp lại…”

Bây giờ  thì tôi đã hiểu.

Ông già ngày nào cũng ngồi xe 13, lúc cầm theo ô lúc lại cầm một bó hoa, vì ngày nào ông cũng đến thăm mộ người vợ quá cố.

Bác lái xe hay nghe Xone FM vì bác có tới 3 cô con gái thích nghe chương trình này, nhưng chúng lại đang học ở xa.

Chú  phụ xe thực ra là một nhà văn trẻ, muốn thử làm nghề này để có thêm kinh nghiệm sống.

Còn tôi…

Trích nguyên văn nhé :

“ Tôi hay thấy anh đứng bất động, nhìn dòng người ngược xuôi ngoài phố. Có lúc anh ngủ gục trên chiếc ghế cao cheo leo cuối cùng, nét mặt mệt mỏi nhưng lạ lùng. Không rõ làm sao nhưng anh làm tôi nghĩ đến những anh chàng diệt ma ở các ngôi nhà hoang vào buổi tối, trong các bộ phim tôi hay xem vào mỗi dịp Halloween. Có lẽ vì thế mà anh hay thiếu ngủ, học sinh lớp 12 chỉ là cái vỏ bọc thôi. Nếu mà như vậy, liệu anh có cần một người bạn đồng hành không nhỉ?”
Biết nói làm sao đây, có lẽ ngày mai tôi lại phải đi xe bus nữa rồi…
Lại một ngày 13, nhưng hôm nay không phải là  thứ 6.